Passive Aggressive là gì? Phải làm gì khi đồng nghiệp là người gây hấn thụ động?

Đi làm đã lâu có bao giờ bạn gặp tình huống một ai đó không thích mình nhưng vẫn tỏ ra thân thiện? Một đồng nghiệp tính tình như thời tiết, lúc vui vẻ lúc lại xa lánh như đang giận dỗi bạn điều gì? Nếu có thì đích thị bạn đã gặp những người thuộc tuýp passive aggressive – gây hấn thụ động. Cụ thể thì gây hấn thụ động là gì? Phải làm sao khi làm chung với người gây hấn thụ động? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!

Gây hấn thụ động – Passive Aggressive là gì?

Gây hấn thụ động (passive aggressive) được hiểu là những hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực gián tiếp không lộ liễu. Mục đích của những hành động này là để công kích hoặc phản ứng lại với người khác mà không để họ nhận ra. 

Ví dụ trong môi trường công việc, khi bạn đưa ra một ý kiến gì, người có hành vi gây hấn thụ động dù đang tức giận, không đồng tình vẫn tỏ ra trung lập hoặc chấp nhận. Nhưng ngay sau đó họ sẽ gián tiếp thể hiện sự phản đối bằng cách không làm, chỉ làm qua loa hoặc trễ deadline.

passive aggressive
Tuy không phải bệnh tâm thần những gây hấn thụ động có thể gây hại đến các mối quan hệ

Về bản chất thì đây không phải là một bệnh tâm thần và bất cứ ai cũng có thể vô tình có những hành vi đó. Tuy nhiên nếu không để ý passive aggressive rất có thể làm phá vỡ các mối quan hệ trong đời sống mỗi người.

Xem thêm: Cứu nguy ví tiền với nguyên tắc 5 NÊN 5 KHÔNG khi cho đồng nghiệp mượn tiền

Nhận dạng những hành vi gây hấn thụ động trong cuộc sống

Buông ra những câu nói tiếc nuối

Điều này xảy ra khi một ai đó muốn một điều gì đó nhưng họ lại không dám nói thẳng ra. Ví dụ như nếu bạn bè nói với bạn rằng cô ấy sẽ đến một buổi tiệc nào đó. Bạn trả lời ước gì mình cũng được đến đó nhỉ. Cách nói này khiến bạn của bạn cảm thấy áp lực và có chút không chắc chắn về điều này.

passive aggressive
Người có hành vi gây hấn thụ động hay bày tỏ sự tiếc nuối trước một vấn đề.

Một ví dụ khác điển hình hơn là khi đồng nghiệp khoe một đôi giày mới mua thật đẹp, người khác thay vì khen lại bảo “ước gì tôi có thể mua được một đôi thế này, nhưng tiếc quá tiền đáng ra mua được giày thì lại phải trả phí thuê nhà”. Những bình luận kiểu đó dễ khiến cho người khác cảm thấy tội lỗi và bối rối chỉ vì họ có những thứ mà người khác không thể.

Khen ngợi một cách giả tạo

Thay vì cảm thấy hạnh phúc với niềm vui của ai đó, người có hành vi passive aggressive sẽ phản ứng lại bằng những câu thô lỗ. Ví dụ như đồng nghiệp A của bạn chuẩn bị đính hôn, trong khi đó đồng nghiệp B mãi chưa thấy người yêu tỏ ý. Đồng nghiệp B sẽ khen nhẫn đẹp nhưng lại kèm theo phản ứng mỉa mai “Nhẫn đẹp qua nhưng mình đã nghĩ rằng viên kim cương phải to hơn cơ đấy”. 

Xem thêm: Thảo mai là gì? Làm gì khi phát hiện đồng nghiệp thảo mai?

Người có hành vi passive aggressive thường hay lảng lờ hoặc im lặng trước vấn đề

passive aggressive
Phớt lờ vấn đề cũng được xem là một biểu hiện của hành vi gây hấn thụ động

Đôi lúc không nói gì cả cũng được xét vào tình huống gây hấn thụ động. Nghe khá lạ phải không? Nhưng đó lại chính là sự thật. Ví dụ như bạn có những cuộc gọi, email hay tin nhắn công việc, bạn cần trả lời ngay nhưng bạn lại phớt lờ chúng đi, như một thông điệp ngầm rằng bạn đang khó chịu và không vui với họ, giống như một cách “trừng phạt” thích đáng. 

Trì hoãn trong mọi chuyện

Có thể đồng nghiệp của bạn đang không cảm thấy vui vẻ hạnh phúc với công việc nhưng thay vì nói ra họ lại đi ăn trưa thật lâu, nghỉ ốm đúng vào ngày có cuộc họp hay deadline. Hành vi này thường xuất phát từ việc họ quyết định không làm một điều nào đó bắt buộc phải làm vào phút cuối cùng và bào chữa rằng mình không thể làm vì điều này điều nọ.

Tìm cách bỏ rơi một ai đó chính là dấu hiệu phổ biến của người có hành vi passive aggressive

passive aggressive
Việc cô lập bỏ rơi một ai đó xảy ra khi người có hành vi gây hấn không thích họ

Điều này xảy ra khi người có hành vi passive aggressive không thích ai đó. Thay vì giải quyết vấn đề với nhau họ lại làm đủ mọi cách để loại bỏ người đó khỏi những mối quan hệ, nhóm đồng nghiệp trong văn phòng. Hành vi thường thấy của họ là mời tất cả mọi người đi ăn trưa, trừ người đó; hoặc nói xấu họ với tất cả mọi người.

Ngầm phá hoại người khác

Chắc hẳn không ít lần bạn đã gặp tình huống đó nhưng lại không nhận ra là đang bị gây hấn thụ động khi đi làm. Một đồng nghiệp cố tình gạt bỏ bạn ra khỏi chuỗi email công việc hay các lời mời về hoạt động, sự kiện, thậm chí không thông báo về sự thay đổi của deadline. Nếu bạn có lỡ phát hiện ra, người đó cũng sẽ nói vu vơ ôi mình quên mất, mình thành thật xin lỗi…

Có động thái ăn miếng trả miếng

passive aggressive
Người có hành vi gây hấn thụ động thường “ghim” và có động thái “trả đũa” người khác

Nếu như bạn lỡ bỏ qua một sự kiện trong cuộc đời của họ vì ốm hay gia đình có việc đột xuất, ví dụ như tiệc sinh nhật, họ cũng sẽ không đến tiệc thôi nôi con của bạn, dù không có lý do gì. Đó chính là một biểu hiện của hành vi gây hấn thụ động.

Đâu là nguyên nhân của passive aggressive?

Việc tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa của passive aggressive là một việc cần thiết. Bởi những hành vi này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ trong cuộc sống, công việc và cả gia đình. 

passive aggressive
Gây hấn thụ động xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến tâm lý, hoàn cảnh sống.

Một số nguyên nhân ẩn đằng sau các hành vi gây hấn là:

  • Sự giáo dục của gia đình: Một số nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng hành vi gây hấn thụ động có thể bắt nguồn từ việc chúng ta được nuôi dưỡng trong môi trường không được bộc lộ cảm xúc trực tiếp. Điều đó dẫn đến việc mỗi cá nhân phải tìm cách thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng một cách gián tiếp.
  • Các vấn đề tâm lý (ví dụ như trầm cảm): Trầm cảm và các hành vi gây hấn thụ động có mối liên hệ với nhau.
  • Hoàn cảnh và tình huống bắt buộc: Trong một số trường hợp để giữ được mối quan hệ và được xã hội công nhận, mọi người sẽ có xu hướng yên lặng khi ai đó làm họ tức giận, không hài lòng.
  • Không thoải mái khi phải đối đầu với ai đó: Việc phải thể hiện cảm xúc một các quyết đoán không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người cảm thấy hành vi passive aggressive sẽ là cách dễ dàng hơn thay vì phải bộc lộ và đối diện với những cảm xúc họ có. Họ sẽ tránh né và không muốn phải đối mặt hay thừa nhận nguồn gốc sự tức giận của mình.

Xem thêm: Đừng biến drama công sở trở thành một nét văn hóa độc hại

Phải làm sao khi quanh bạn có đồng nghiệp có hành vi passive aggressive?

Cứ tập trung làm việc của mình

passive aggressive
Đừng quan tâm quá nhiều đến những đồng nghiệp có hành vi gây hấn

Thực tế là bạn không thể thay đổi suy nghĩ hay tính cách của bất cứ ai. Thứ duy nhất bạn có thể làm là hãy thay đổi cách nhìn nhận của mình về họ. Nếu bạn luôn muốn căng thẳng với những đồng nghiệp gây hấn, tinh thần làm việc của bạn sẽ ảnh hưởng lớn và kết quả làm việc cũng giảm đi. Do đó hãy xem những hành vi gây hấn kia chỉ là một lỗi giao tiếp họ chưa biết sửa và tập trung vào chuyện của mình.

Chủ động thẳng thắn giải quyết mọi chuyện với đồng nghiệp có hành vi passive aggressive

Bản chất của passive aggressive là những hành vi “giấu mặt”. Nghĩa là họ sẽ luôn lảng tránh trình bày quan điểm cá nhân của mình, muốn người khác phải tự hiểu. Nếu không họ sẽ tức giận và bất hợp tác. Vì thế bạn có thể đóng vai người chủ động, đặt vấn đề trực tiếp với họ. 

Đơn giản như nếu trong một cuộc họp, bạn muốn đồng nghiệp phát biểu ý kiến về kế hoạch , hãy nêu đích danh họ với một câu hỏi cụ thể. Họ sẽ không có lý do gì để im lặng hay chống đối, trách móc người khác không hiểu mình.

Tạm dừng xung đột với người có hành vi passive aggressive

Nghĩa là bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ thật kỹ trước khi phản hồi những email hoặc tin nhắn từ họ. Điều đó giúp bạn lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo hơn và không bị rơi vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực đang chực chờ nhấn chìm bạn.

Xem thêm: Cách giành lại spotlight khi bị đồng nghiệp cướp công

Không buộc tội và chỉ trích đối phương

Trong cuộc sống không có ai hoàn hảo, dù tốt đến mấy cũng có lúc sai lầm. Đừng nên nhân lúc họ rơi vào tình huống này mà “trả thù” người từng có hành vi gây hấn thụ động với bạn. Việc lên án lỗi lầm sẽ khiến họ “phòng thủ”, tiếp tục gây hấn với bạn nhiều hơn.

Nếu muốn “góp ý” hãy chọn một cách thật khéo léo và dễ chịu, đủ để họ biết mình chưa ổn nhưng cũng không nên nêu đích danh họ ra. Có thể sử dụng chủ ngữ mang xu hướng tập thể như “nhóm mình”, team mình… đã trễ deadline gửi phác thảo rồi… Chúng ta cần gửi đúng hạn.

Đồng cảm với khiếm khuyết của người khác

Như đã nói hãy xem passive aggressive là một trong những khuyết điểm giao tiếp mà họ chưa biết cách xử lý. Và bạn cần đồng cảm với họ khi “lỡ” mắc điều này. Điều đó sẽ khiến cho mỗi ngày đi làm của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn, bạn cũng không còn phải bận tâm nhiều đến họ nữa.

Chăm sóc tốt cho tinh thần của bản thân

Hãy dành thời gian để vui chơi cùng bạn bè, tham gia những chuyến trekking, đi spa thư giãn… Tự chăm sóc bản thân là điều cần thiết để mỗi chúng ta có thể giữ cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, giúp bạn luôn minh mẫn trong cuộc sống thường ngày.

Trên đây là những thông tin liên quan đến passive aggressive – gây hấn thụ động. Qua đó bạn chắc sẽ biết được liệu mình có đang làm việc với những đồng nghiệp như vậy không? Trong trường hợp nếu xung quanh bạn có người có những hành vi này, hãy áp dụng những gợi ý của Việc Làm 24h. Để cập nhật thêm nhiều kiến thức, mẹo hay hữu ích, đừng quên theo dõi Việc Làm 24h thường xuyên. 

Xem thêm: Cẩm nang sinh tồn chốn công sở từ A-Z giúp bạn thoát khỏi vòng vây drama!

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục