Self-awareness là gì? Tự nhận thức để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình

Có phải bạn muốn hạnh phúc hơn trong cuộc sống, có nhiều ảnh hưởng trong công việc, đưa ra quyết định tốt hơn hay trở thành một nhà lãnh đạo thông thái? Nếu đây chính xác là những gì bạn muốn, Việc Làm 24h sẽ mách cho bạn một tuyệt chiêu hữu hiệu để đạt được những điều này. Đó chính là self-awareness hay tự nhận thức bản thân. Self-awareness sẽ giúp bạn luôn hướng tới mục tiêu, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và là nhà lãnh đạo thông thái nhất. Vậy self-awareness là gì mà lại “vi diệu” đến vậy? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết sau đây.

Self-awareness là gì?

self awareness là gì
Self-awareness là gì? Self-awareness hay tự nhận thức là khả năng lý giải hành động, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân một cách khách quan

Self-awareness có nghĩa là tự nhận thức. Theo các nhà tâm lý học Shelley Duval và Robert Wicklund, tự nhận thức là khả năng tập trung vào bản thân và cách hành động, suy nghĩ, cảm xúc phù hợp hay không phù hợp với các tiêu chuẩn bên trong của bạn. Nếu có năng lực tự nhận thức cao, bạn có thể đánh giá bản thân khách quan, quản lý cảm xúc, điều chỉnh hành vi phù hợp với giá trị của mình và hiểu đúng cách người khác cảm nhận về bạn.

Tự nhận thức giúp con người đạt được mức độ hài lòng cao hơn trong công việc, trở thành nhà lãnh đạo tốt hơn, cải thiện mối quan hệ đồng nghiệp, quản lý cảm xúc và có cuộc sống tích cực hơn. Tuy nhiên theo một nghiên cứu ước tính chỉ có 10 – 15% mọi người thực sự nhận thức được bản thân.

self awareness là gì
Khả năng tự nhận thức giúp bạn trở thành một nhân viên, một nhà lãnh đạo hạnh phúc

Các trạng thái của self-awareness là gì?

Có 2 trạng thái self-awareness là nhận thức bản thân bên trong và nhận thức bản thân bên ngoài:

– Tự nhận thức bên trong là cách bạn thấy các giá trị, niềm đam mê và nguyện vọng của mình và mức độ phù hợp của những tiêu chuẩn này với môi trường cùng cách phản ứng của bạn, bao gồm suy nghĩ, hành vi, cảm xúc, điểm mạnh và điểm yếu. Ví dụ nhận ra công việc hiện tại không phù hợp với đam mê thực sự hoặc cảm thấy không hào hứng với cuộc trò chuyện giữa bạn và đồng nghiệp.

– Tự nhận thức bên ngoài là khả năng thấy rõ cách người khác nhìn bạn. Những người biết mọi người nhìn nhận họ như thế nào thường có sự đồng cảm hơn. Các nhà lãnh đạo có năng lực tự nhận thức bên ngoài bằng việc hiểu cách nhìn của nhân viên đối với họ sẽ có mối quan hệ bền chặt với nhân viên.

self awareness là gì
Private self-awareness là gì? Tự nhận thức bên trong là biết chính mình bao gồm đam mê, điểm mạnh, điểm yếu, mâu thuẫn…

Lợi ích của self-awareness là gì?

Tự nhận thức bản thân mang đến nhiều lợi ích:

– Tạo ra nội lực và sức mạnh nội tâm để giải quyết vấn đề hiện tại gặp phải.

– Mang đến sự tự tin vào bản thân giúp giao tiếp hiệu quả hơn và có khả năng ra quyết định tốt hơn.

– Giải phóng bản thân ra khỏi những giả định và thành kiến.

– Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn.

– Có góc nhìn đa chiều, hiểu mọi việc từ nhiều khía cạnh.

– Khả năng điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.

– Giảm căng thẳng và làm chúng ta hạnh phúc hơn.

self awareness là gì
Lợi ích của self-awareness là gì? Tự nhận thức giúp chúng ta hạnh phúc, hài lòng và thành công hơn

Thực tế về khả năng self-awareness

Đa số chúng ta đều được dạy rằng không nên bộc lộ cảm xúc của mình, vì vậy chúng ta cố gắng phớt lờ hoặc kìm nén chúng. Với những cảm xúc tiêu cực, chúng ta đánh giá rằng chúng là xấu. Do đó chúng ta hoặc “nội tâm hóa” chúng dẫn đến tức giận, chán nản, oán hận và cam chịu hoặc “ngoại hóa” chúng và đổ lỗi, hạ thấp hoặc bắt nạt người khác.

Thiếu năng lực tự nhận thức có thể là một điểm yếu trong lãnh đạo. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Adam D.Galinsky và các đồng nghiệp tại Northwestern’s Kellogg School of Management cho thấy rằng thông thường khi các giám đốc điều hành thăng tiến trong công ty, họ trở nên tự tin hơn. Tuy nhiên họ lại có xu hướng thu mình và ít để tâm quan điểm của người khác.

Trong một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu Canada đã xem xét hoạt động của não bộ ở những người có quyền lực. Và kết quả cho thấy khi sức mạnh quyền lực tăng lên, khả năng đồng cảm với người khác bị giảm xuống. Họ hiếm khi xem xét nhu cầu, quan điểm của mọi người. Về cơ bản, những nhà lãnh đạo này không nghĩ rằng họ cần phải thay đổi và thay vào đó, họ yêu cầu sự thay đổi từ người khác.

 Làm thế nào để kiểm tra năng lực tự nhận thức bản thân?

Bạn có thể sử dụng self-awareness test của iNLP để đánh giá mức độ nhận thức về bản thân. Bài kiểm tra được tạo ra bởi Mike Bundrant có 25 năm kinh nghiệm làm cố vấn, huấn luyện viên NLP (lập trình ngôn ngữ thần kinh là một cách tiếp cận giao tiếp, phát triển cá nhân và tâm lý trị liệu) bao gồm 12 câu hỏi trắc nghiệm, đánh giá điểm số và diễn giải về mức độ tự nhận thức của bạn cũng như những lĩnh vực bạn nên tập trung cải thiện.

Ngoài ra, bạn còn có thể tự đo lường khả năng tự nhận thức bằng cách áp dụng phân tích chính mình bất kỳ lúc nào bạn đưa ra quyết định quan trọng. Chẳng hạn, bạn có thể viết ra lý do tại sao bạn chọn chuyển phòng ban ở nơi làm việc, bao gồm động cơ, suy nghĩ trong quá trình ra quyết định và mong đợi của bạn. Sau vài tháng, hãy kiểm tra lại ghi chép này, điều gì đã diễn ra theo đúng kế hoạch, bạn đã làm sai điều gì… Việc này có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về cách bạn đưa ra quyết định và bạn nên làm gì để cải thiện khả năng này.

Lý tưởng nhất là bạn nên sử dụng nhiều phương pháp khác nhau theo thời gian để từ từ hiểu hơn về bản thân, mong muốn và những mâu thuẫn trong cách bạn cư xử với suy nghĩ và cảm nhận như thế nào.

Cách để rèn luyện và trau dồi khả năng self-awareness là gì?

Trong quá trình cải thiện self-awareness, bạn sẽ trải nghiệm các mức độ tự nhận thức khác nhau. Bạn không thể thức dậy vào một ngày đẹp trời và hiểu thấu đáo về bản thân. Nhưng với những nỗ lực của mình, bạn sẽ cảm nhận được bản thân đang thay đổi như thế nào. 

1. Đặt câu hỏi “what” thay vì “why”

Cốt lõi của sự tự nhận thức là khả năng tự phản ánh. Tuy nhiên, nhà tâm lý học Tasha Eurich cho rằng hầu hết mọi người đang suy ngẫm sai cách và tự hỏi mình những câu hỏi chưa đúng. Khi cố gắng giải quyết xung đột nội tâm, chúng ta đặt câu hỏi “tại sao”, tuy nhiên không có cách nào để trả lời câu hỏi đó vì bạn không thể tiếp cận được nhiều suy nghĩ, cảm xúc và động cơ vô thức của mình. Sự nguy hiểm của câu hỏi “tại sao” là dễ đưa bạn vào hố sâu của những suy nghĩ tiêu cực. Do đó, thay vì hỏi “why” hãy hỏi “what”. 

Chẳng hạn bạn đang cảm thấy chán nản trong công việc. Việc đặt câu hỏi “tại sao tôi lại thấy chán chường” có thể chỉ làm bạn thêm mệt mỏi khi buộc bạn phải suy ngẫm về những điều tiêu cực. Câu hỏi “những tình huống nào tại nơi làm việc khiến tôi cảm thấy tồi tệ” có vẻ tốt hơn khi hướng dẫn bạn cách nhận biết các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát và không phù hợp với đam mê, mục tiêu và giúp bạn tìm giải pháp để khắc phục những tình huống này.

2. Dành thời gian cho bản thân

Thật không dễ dàng để suy ngẫm về bản thân khi bạn phải thay đổi các thói quen hướng ra ngoài như lướt mạng xã hội, tám với bạn bè, đi cafe… Tuy nhiên hãy cố gắng cho mình không gian và thời gian cần thiết để tự suy nghĩ hay đọc, viết, thiền hay các hoạt động cá nhân khác để kết nối với chính mình.

self awareness là gì
Bạn có thể tăng dần dần thời gian dành cho bản thân 

3. Thực hành chánh niệm

Chánh niệm giúp bạn hiện diện với chính mình ngay ở thời điểm hiện tại và quan sát suy nghĩ của bản thân một cách không phán xét. Lần tới nếu bạn cảm thấy thất vọng trong công việc, hãy thực hành chánh niệm để kiểm tra lại bản thân. Những suy nghĩ nào đang diễn ra trong tâm trí bạn? Bạn cảm thấy thế nào? Chỉ cần hiện diện đủ để chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình sẽ giúp bạn trở nên quen thuộc và nhận ra chúng một cách chính xác hơn.

Xem thêm: Chánh niệm là gì? Cách thực hành chánh niệm đơn giản ai cũng làm được

4. Lắng nghe người khác và chính mình

Khi bạn học cách lắng nghe bạn bè, đồng nghiệp và sếp mà không đánh giá hay phán xét họ, bạn sẽ trở nên đồng cảm và hiểu mọi người hơn. Lắng nghe mọi người giúp bạn hiểu cách người khác nhìn nhận về mình. Bạn cũng nên lắng nghe bản thân để hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. 

Ngoài ra, điều quan trọng là yêu cầu phản hồi từ mọi người. Không thể có sự tự nhận thức hoàn toàn nếu bạn chỉ hướng nội. Việc có được những quan điểm khác nhau về con người bạn sẽ giúp bạn nhìn thấy bức tranh chân thực hơn, đầy đủ hơn.

self awareness là gì
Lắng nghe người khác và bản thân bạn là rất quan trọng để trở nên tự nhận thức.

Con đường tự nhận thức là một hành trình mà không có đích đến cụ thể. Ở đó chỉ có việc mỗi ngày bạn dần dần thay đổi để hài lòng, hạnh phúc hơn trong công việc và cuộc sống. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc đã biết về self-awareness là gì và can đảm bắt đầu hành trình tự biết chính mình. Để tìm hiểu những chủ đề thú vị khác, đừng quên truy cập Việc Làm 24h nhé!

Xem thêm: Cứu nguy ví tiền với nguyên tắc 5 NÊN 5 KHÔNG khi cho đồng nghiệp mượn tiền

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục