Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là việc làm quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân. Do đó, khi đóng BHXH, người lao động cần tra cứu quá trình đóng BHXH để nắm được các thông tin và quyền lợi để tránh bị động trong quá trình giải quyết các hồ sơ sau này. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tra cứu đóng BHXH. Trong bài viết này, Nghề nghiệp Việc Làm 24h sẽ giới thiệu đến các bạn các cách tra cứu đóng BHXH đầy đủ và chi tiết nhất.
Vì sao cần tra cứu quá trình đóng BHXH?
Có nhiều trường hợp người tham gia BHXH cần khai báo thông tin như làm giấy tờ tuỳ thân, làm hồ sơ hưởng các chế độ BHXH, chuyển sang công ty mới làm việc,… Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ các thông tin liên quan đến BHXH chính xác, chính vì vậy, việc tra cứu đóng BHXH trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Người tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện đều có thể tra cứu quá trình đóng BHXH bằng 3 cách đơn giản và nhanh chóng dưới đây.
Các cách tra cứu quá trình đóng BHXH nhanh chóng nhất hiện nay
Cách 1: Tra cứu quá trình đóng BHXH qua cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam
Cá nhân tiến hành tra cứu bằng CMND trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.
Bước 1: Truy cập Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Bước 2: Trên giao diện chính, kéo xuống phía dưới, chọn mục “Tra cứu trực tuyến”.
Bước 3: Trên cột danh mục “Tra cứu trực tuyến” phía bên phải, nhấn chọn “Tra cứu quá trình tham gia BHXH”.
Bước 4: Nhập đầy đủ các thông tin cần thiết theo yêu cầu của hệ thống bao gồm:
- Tỉnh/thành phố nơi đóng BHXH
- Cơ quan BHXH nơi tham gia
- Thời gian tham gia BHXH muốn tra cứu
- CMND/CCCD; Họ và tên; Mã số BHXH
- Số điện thoại nhận OTP đã đăng ký
Trong đó (*) màu đỏ là trường thông tin bắt buộc phải điền chính xác.
Bước 5: Sau đó, nhấn chọn “tôi không phải là người máy” và nhấn chọn ô “Lấy mã tra cứu”. Cơ quan BHXH sẽ gửi mã OTP về số điện thoại mà bạn đăng ký.
Bước 6: Nhập mã OTP vào phần mã OTP trên hệ thống để tra cứu đóng BHXH của mình. Lưu ý thời gian mã OTP chỉ có hiệu lực trong vòng 4 phút.
Cách 2: Tra cứu quá trình đóng BHXH trên VssID
Cá nhân có thể tiến hành tra cứu đóng BHXH trên ứng dụng VssID – ứng dụng BHXH số của cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam. Người tra cứu cần cài đặt ứng dụng VssID trên thiết bị di động và đăng nhập bằng tài khoản BHXH cá nhân. Đây là cách tra cứu đóng BHXH không cần mã OTP được nhiều người sử dụng hiện nay.
Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VssID, tên tài khoản là mã BHXH và nhập mật khẩu.
Bước 2: Tại giao diện “Quản lý cá nhân” nhấn chọn “Quá trình tham gia”
Xem thêm: Tờ khai bảo hiểm xã hội là gì? Cách lấy tờ khai bảo hiểm xã hội đơn giản nhất
Bước 3: Tại giao diện app gồm có quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ). Nhấn chọn BHXH.
Bước 4: Nhận kết quả tra cứu quá trình đóng BHXH.
Cách 3: Tra cứu quá trình đóng BHXH bằng tin nhắn điện thoại
Cá nhân tra cứu thời gian tham gia BHXH bằng cách: soạn BH QT <MÃ SỐ BHXH> < từ năm> <đến năm> gửi 8079 . Cước phí tra cứu tin nhắn là 1.000 đồng/tin nhắn.
Ví dụ: Soạn tin nhắn với cú pháp BH QT 0201070283 2015 2023 gửi 8079
Với cách tra cứu này, kết quả trả về là tổng thời gian tham gia BHXH, không bao gồm các thông tin chi tiết về chức vụ, mức đóng như cách tra cứu qua trang web và ứng dụng VssID.
Lưu ý: Từ ngày 3/3/2023, cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam chính thức tạm dừng dịch vụ tra cứu quá trình đóng BHXH bằng tin nhắn.
Cách 4: Tra cứu quá trình đóng BHXH qua Zalo
Các bạn có thể sử dụng ứng dụng Zalo tra cứu đóng BHXH bằng cách gõ tìm kiếm “Bảo hiểm xã hội + tỉnh/thành bất kỳ”. Ví dụ dưới đây là cách tra cứu đóng BHXH Hà Nội với các bước đơn giản như sau
Bước 1: Đăng nhập ứng dụng Zalo trên thiết bị điện thoại di động hoặc máy tính.
Bước 2: Tại phần “tìm kiếm”, nhập “Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội” chọn Official Account của BHXH Hà Nội.
Bước 3: Tại mục dịch vụ, nhấn chọn “Tiện ích”, nhấn chọn “Tra cứu đóng BHXH” và nhập thông tin theo mẫu hiển thị trên màn hình.
Bước 4: Xác nhận mã Capcha và nhận kết quả tương ứng.
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính BHXH 1 lần cập nhật mới nhất cho người lao động năm 2023
Tại sao không tra cứu được quá trình đóng BHXH?
1. Thông tin cá nhân chưa được cập nhật hoặc cập nhật chưa đúng, chưa đầy đủ
Nếu dữ liệu đang được cơ quan BHXH hoàn thiện trên hệ thống hoặc dữ liệu về thông tin cá nhân như số CMND/CCCD, ngày tháng năm sinh, số sổ, họ và tên chưa đầy đủ, chính xác thì hệ thống sẽ không tìm thấy dữ liệu.
2. Số điện thoại đăng ký nhận mã OTP sai lệch hoặc chưa đăng ký với cơ quan BHXH
Căn cứ theo quy định tại Công văn 5147/BHXH-QLT về việc đăng ký số điện thoại lấy mã OTP từ BHXH được thực hiện như sau: Nhằm bảo mật thông tin BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN, việc tra cứu phải thông qua cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam phải được thực hiện thông qua số điện thoại cá nhân của người tham gia để người tham gia muốn kiểm tra thì phải cung cấp mã OTP.
Nếu bạn không nhận được mã OTP để nhập có thể do lỗi hệ thống, các bạn có thể thao tác lại để nhận mã. Nếu vẫn chưa nhận được mã OTP thì có thể số điện thoại của bạn chưa được đăng ký trên hệ thống dữ liệu của cơ quan BHXH hoặc số điện thoại trên hệ thống có sự sai lệch với số điện thoại mà bạn đang sử dụng. Các bạn cần kê khai thông tin số điện thoại vào “Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)” và nộp cho cơ quan BHXH đăng ký để cập nhật vào cơ sở dữ liệu.
Kết luận
Chắc chắn rằng sau khi đọc bài viết này của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, các bạn đã biết cách tra cứu quá trình đóng BHXH của mình một cách chính xác và nhanh chóng. Đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất của Việc Làm 24h về chủ đề bảo hiểm xã hội mới nhất để cập nhật các quyền lợi của bản thân nhé!
Xem thêm: Tổng quan quy định nghỉ hưu trước tuổi mới nhất hiện nay