Nếu như trước đây chế độ phúc lợi nhân viên chỉ là một điểm cộng của doanh nghiệp trong tuyển dụng thì hiện nay đã có sự thay đổi. Phúc lợi nhân viên được đặt lên hàng đầu vì người lao động không còn sẵn sàng làm những công việc mà họ cảm thấy gây tổn hại về sức khỏe hay tinh thần. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp thay đổi tư duy và cách thực hiện nhằm đầu tư xây dựng các chương trình phúc lợi nhân viên tốt hơn. Vậy tại sao lại có sự chuyển biến như vậy? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Phúc lợi nhân viên là gì?
Phúc lợi nhân viên trong tiếng Anh là “employee wellbeing”, đề cập đến những chế độ đãi ngộ của công ty dành cho nhân viên để đảm bảo quyền lợi và các khía cạnh khác trong cuộc sống tốt hơn. Về cơ bản, phúc lợi nhân viên là một chính sách toàn diện dựa trên việc mang đến những điều cần thiết để nhân viên làm tốt nhất công việc của mình. Chẳng hạn như sức khỏe thể chất, tinh thần lành mạnh, tài chính ổn định, các mối quan hệ hòa hợp…
Thông thường, chế độ phúc lợi nhân viên được chia làm phúc lợi bắt buộc và phúc lợi bổ sung. Trong đó, phúc lợi bắt buộc là những chính sách mà doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước, bao gồm:
– Bảo hiểm thất nghiệp.
– Trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí.
Còn phúc lợi bổ sung là những chương trình tùy vào mỗi công ty nhằm xây dựng môi trường làm việc tích cực, nâng cao tinh thần của nhân viên. Một số chế độ phúc lợi bổ sung có thể kể đến như du lịch hàng năm, kiểm tra sức khỏe định kỳ, thẻ thành viên các câu lạc bộ thể dục thể thao, chương trình đào tạo, trợ cấp đi lại…
Xem thêm: Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp chuẩn
Phúc lợi nhân viên quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?
Khi nhân viên cảm thấy khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, họ sẽ có xu hướng làm việc hiệu quả hơn. Điều này làm tăng năng suất và giúp nhân viên phát triển bản thân. Các nghiên cứu cho thấy người lao động làm việc hiệu quả hơn 13% khi hạnh phúc. Do đó những hoạt động khuyến khích người lao động cân bằng công việc và cuộc sống là một ví dụ điển hình minh chứng phúc lợi nhân viên có tác động tích cực đến năng suất.
Bên cạnh đó, nhân viên cũng sẽ cảm thấy bản thân có năng lực, giá trị và được đánh giá cao hơn khi nhu cầu được đáp ứng ở mọi cấp độ bao gồm thể chất, tinh thần, tài chính.
Ngoài ra, phúc lợi nhân viên còn góp phần tạo nên danh tiếng của doanh nghiệp trên thị trường tuyển dụng. Từ đó có khả năng thu hút những ứng viên tiềm năng đồng thời giữ chân nhân tài lâu hơn. Ví dụ, theo số liệu cho thấy 38% người tìm việc gen Z xem môi trường làm việc lành mạnh là yếu tố hàng đầu để chọn công ty làm việc. Vì vậy, những đãi ngộ như tăng số ngày nghỉ ốm hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thu hút ứng viên gen Z tài năng.
Nghiên cứu của Gallup về mối liên hệ giữa Employee Wellbeing với sự gắn kết cũng cho thấy nhiều lợi ích của việc đầu tư vào phúc lợi của nhân viên, đó là:
– Đánh giá cao chất lượng cuộc sống tổng thể hơn 42%.
– Báo cáo hiệu suất xuất sắc trong công việc cao hơn 27%.
– Mức độ thích ứng cao hơn 45% khi có sự thay đổi.
– Khả năng hồi phục hoàn toàn sau bệnh tật, chấn thương hoặc khó khăn cao hơn 37%.
– Tỷ lệ tìm kiếm việc làm ở một tổ chức khác trong 12 tháng tới ít hơn 59%.
– Tỷ lệ thay đổi người sử dụng lao động trong khoảng thời gian 12 tháng ít hơn 18% .
7 yếu tố chính trong phúc lợi nhân viên
CIPD đã đưa ra 7 yếu tố chính về phúc lợi nhân viên mà doanh nghiệp nên xem xét trước khi đưa ra những chiến lược:
1. Sức khỏe
– Sức khỏe thể chất: kiểm tra sức khỏe định kỳ, bảo hiểm y tế, trợ cấp sức khỏe…
– Sức khỏe tinh thần: chương trình đào tạo giải quyết xung đột, quản lý căng thẳng…
2. Làm việc hiệu quả: Yếu tố cần thiết trong phúc lợi nhân viên
– Môi trường làm việc: văn hóa cởi mở, hòa nhập.
– Quản lý tốt: chính sách quản lý con người hiệu quả, đào tạo kỹ năng lãnh đạo.
– Nhu cầu công việc: vai trò công việc, chất lượng công việc, khối lượng công việc, giờ làm việc, sự hài lòng trong công việc, cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
3. Giá trị/Nguyên tắc
– Lãnh đạo: lãnh đạo dựa trên giá trị, sứ mệnh và mục tiêu rõ ràng, tạo dựng niềm tin với nhân viên.
– Tiêu chuẩn đạo đức: nhân phẩm trong công việc, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
– Tư duy mở: đánh giá cao sự khác biệt cá nhân, gắn kết văn hóa.
4. Tập thể/Xã hội
– Tiếng nói của nhân viên: giao tiếp, tham gia vào quá trình ra quyết định.
– Mối quan hệ tích cực: phong cách làm việc, làm việc nhóm, tôn trọng.
5. Phát triển cá nhân
– Phát triển nghề nghiệp: quản lý hiệu suất, cố vấn.
– Cảm xúc: các mối quan hệ tích cực, rèn luyện khả năng phục hồi, phúc lợi tài chính.
– Sáng tạo: văn hóa cởi mở, hợp tác.
6. Lựa chọn lối sống lành mạnh
– Hoạt động thể chất: câu lạc bộ chạy bộ, tập yoga…
– Ăn uống lành mạnh: câu lạc bộ nấu ăn, khóa học về dinh dưỡng…
7. Cải thiện phúc lợi nhân viên từ an sinh tài chính
– Chính sách lương và phúc lợi linh hoạt.
– Kế hoạch nghỉ hưu.
Xem thêm: Cách tính lương hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới nhất hiện nay
Những trở ngại trong việc duy trì phúc lợi nhân viên
Dù phúc lợi nhân viên là rất quan trọng, tuy nhiên vẫn có một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả của các chế độ đãi ngộ, bao gồm:
1. Phong cách lãnh đạo
Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu nói nhân viên bỏ sếp chứ không phải bỏ công việc. Theo khảo sát của CIPD, phong cách lãnh đạo kém có thể làm tăng mức độ căng thẳng của nhân viên. Chẳng hạn như việc phải giải thích từng chi tiết nhỏ nhất trong nhiệm vụ hàng ngày cho người quản lý là không hiệu quả. Đồng thời khiến nhân viên cảm thấy mình không đủ năng lực và không đáng tin cậy.
2. Khối lượng công việc
Nhân viên thường rơi vào trạng thái quá tải với khối lượng công việc nặng do thiếu nhân lực. Họ sẽ dễ rơi vào sự căng thẳng, áp lực về thời gian và chất lượng. Từ đó dẫn đến cảm giác bất lực, nghi ngờ, mệt mỏi.
Xem thêm: Hội chứng burnout: Nguyên nhân khiến bạn sức tàn lực kiệt nơi công sở
3. Cạnh tranh
Để phát huy tối đa năng lực, nhân viên cần được làm việc trong môi trường mang lại giá trị tích cực cho sự hợp tác và đóng góp của mỗi cá nhân. Nhưng khi sự cạnh tranh cao, hiệu suất của nhân viên luôn bị so sánh với đồng nghiệp sẽ kéo theo những vấn đề nan giải như các mối quan hệ độc hại.
4. Động lực
Đa số chúng ta đều chỉ xem công việc là để kiếm tiền mà quên mất việc thực sự xem đây là một trải nghiệm tích cực. Sự thật cho thấy khi nhân viên càng thích thú với những gì họ làm và tự hào về điều này thì sẽ càng mang lại kết quả tốt hơn. Do đó, nếu hầu hết các công việc hàng đều buồn tẻ, nhân viên sẽ cảm thấy ít có động lực để cố gắng hơn nữa.
Tuy nhiên, mỗi nhân viên là một cá thể khác biệt với nền tảng kiến thức khác nhau và không phải ai cũng bị thúc đẩy bởi những động lực giống nhau. Một số người sẽ thấy làm việc trong môi trường cạnh tranh rất phấn khởi khi họ theo đuổi hết thành tích này đến phần thưởng khác. Trong khi những người khác lại cảm thấy kiệt sức khi làm việc trong môi trường như vậy.
Ngoài ra còn rất nhiều các yếu tố khác như vấn đề cá nhân, mối quan hệ, sở thích… tạo nên động lực làm việc của nhân viên. Vì vậy, bạn không thể kiểm soát và tạo ra chế độ phúc lợi hoàn hảo nhất.
Xem thêm: Làm thế nào để tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên?
Làm thế nào để cải thiện phúc lợi nhân viên?
Việc bắt đầu xây dựng chương trình phúc lợi nhân viên sẽ có những khó khăn nhất định. Do đó bạn có thể tham khảo những cách dưới đây để cải thiện chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp:
1. Giao tiếp hiệu quả
Giao tiếp kém ở nơi làm việc chắc chắn sẽ dẫn đến việc nhân viên không có động lực và bắt đầu hoài nghi về bản thân. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể sử dụng các câu hỏi khảo sát để hiểu những gì nhân viên kỳ vọng tổ chức. Một số câu hỏi khảo sát như:
– Môi trường làm việc hiện tại có thoải mái với bạn không?
– Bạn có quản lý được khối lượng công việc hiện tại không?
– Bạn có hài lòng với vị trí của mình ở công ty không?
– Bạn có đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không?
– Công ty có thể giúp gì cho bạn?
Tốt nhất nên giữ kết quả khảo sát ở “chế độ ẩn danh”, mang đến cảm giác an toàn cho nhân viên và nhận được câu trả lời khách quan nhất từ họ.
Xem thêm: 9++ cách bắt chuyện với người lạ giúp trở thành chiến thần ngoại giao nơi công sở
2. Công nhận
Sự công nhận là một phần quan trọng trong văn hóa của doanh nghiệp. Trong môi trường làm việc ngày nay, những công ty có nhân viên hài lòng và gắn kết nhất thường có chương trình đào tạo chất lượng cùng đội ngũ nhân sự có năng lực. Do đó bạn có thể nâng cao tinh thần, thể hiện sự quan tâm đến nhân viên bằng cách kỷ niệm các sự kiện quan trọng như sinh nhật, số năm làm việc, đạt thành tích cao…
3. Triển khai cách làm việc linh hoạt
Bạn có thể cân nhắc điều chỉnh lịch trình làm việc linh hoạt với nhu cầu nhân viên. Chẳng hạn như thời gian bắt đầu trễ hơn, kết thúc sớm hơn hoặc nghỉ giải lao dài hơn. Nếu nhận thấy bản thân được quan tâm, nhân viên sẽ có xu hướng trung thành và gắn kết hơn.
4. Khuyến khích phát triển cá nhân
Tạo văn hóa phát triển cá nhân có nghĩa là đào tạo, phát triển liên tục. Đây là hoạt động cần được khuyến khích và không chỉ là cải thiện cuộc sống tại nơi làm việc mà còn cả cuộc sống cá nhân. Doanh nghiệp có thể mời các chuyên gia, tổ chức các buổi chia sẻ để truyền cảm hứng hay hỗ trợ nhân viên đạt được mục tiêu của bản thân.
5. Tăng cường mối quan hệ với đồng nghiệp
Trong một nhóm hay bộ phận, việc các thành viên có hòa hợp với nhau hay không là chìa khóa của sự hợp tác hiệu quả. Do đó, để khuyến khích các mối quan hệ tốt đẹp, bạn nên triển khai nhiều hoạt động xây dựng nhóm, các cuộc gặp thân mật để gắn kết các thành viên. Điều này không chỉ tạo ra bầu không khí vui vẻ, hòa đồng mà còn giúp mọi người thoải mái hơn trong việc đưa ra ý kiến của mình. Đồng thời, mang đến cơ hội để nhân viên được lên tiếng cũng rất quan trọng để nâng cao tinh thần chung của tổ chức.
Với những thông tin trên, hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng phúc lợi nhân viên đối với tổ chức, đồng thời có những ý tưởng mới để triển khai. Nếu nhà tuyển dụng cần tìm nguồn nhân tài mới, hãy liên hệ Vieclam24h.vn ngay nhé!
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Vieclam24h.vn để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: Reference Check là gì? Có cần thiết phải Reference Check khi phỏng vấn không?