Cắt giảm nhân sự: Làm sao cho khéo để không ai phải “đau”?

Cắt giảm nhân sự là một quá trình phức tạp và tương đối nhạy cảm đối với các công ty khi đối mặt với các thách thức về mặt tài chính trong quá trình kinh doanh. Khi tiến hành cắt giảm nhân sự, việc tuân thủ các quy định pháp luật là vô cùng quan trọng để đảm bảo tuân thủ đúng quy trình và tránh các vấn đề pháp lý. Vậy tại sao phải cắt giảm nhân sự? Quyết định cắt giảm nhân sự có bồi thường không? Thông báo cắt giảm nhân sự đúng luật ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, cùng theo dõi nhé!

Cắt giảm nhân sự là gì? Tại sao phải cắt giảm nhân sự? 

cắt giảm nhân sự
Cắt giảm nhân sự là gì? Tại sao phải cắt giảm nhân sự?

Cắt giảm nhân sự là việc người sử dụng lao động đồng loạt chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với nhiều người lao động. Việc cắt giảm nhân sự là doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi chưa hết thời hạn. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quyết định cắt giảm nhân sự cũng được áp dụng trong các trường hợp sau:  

  • Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
  • Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

Theo đó, quyết định cắt giảm nhân sự có thể được thực hiện dựa theo kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp buộc phải thực hiện quyết định này do một số lý do khách quan và chủ quan khác.

Cắt giảm nhân sự có bồi thường không?

cắt giảm nhân sự
Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự có bồi thường không?

Người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với người lao động, còn trường hợp cắt giảm nhân sự tuân theo Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 hoặc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế thì doanh nghiệp không phải bồi thường.

Theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật lao động năm 2019, doanh nghiệp không thể cứu vãn trong các trường hợp dưới đây thì không phải bồi thường. 

  • Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật Bộ luật lao động năm 2019; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
  • Trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này.
  • Trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này.

Việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động

Xem thêm: Làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu nhanh nhất?

1. Quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp quyết định cắt giảm nhân sự

Theo Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019, người lao động bị cắt giảm nhân sự sẽ được thanh toán các quyền lợi sau: Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. 

Trừ các trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

  • Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
  • Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
  • Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi quyết định cắt giảm

Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.

Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Bên cạnh đó, theo Điều 47 Bộ Luật lao động năm 2019, doanh nghiệp phải trả trợ cấp mất việc cho người lao động như sau:

  • Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
  • Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

Xem thêm: Người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cần lưu ý những gì?

Thế nào là cắt giảm nhân sự đúng luật?

cắt giảm nhân sự
Doanh nghiệp nên thực hiện cắt giảm nhân sự đúng luật bằng cách nào?

1. Trường hợp do doanh nghiệp gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh

Căn cứ theo quy định tại Điều 36, Điều 45, Điều 46 và Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp phải thực hiện cắt giảm nhân sự theo các bước sau:

Bước 1: Ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động.

Thời hạn ra thông báo:

  • Báo trước ít nhất 45 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn
  • Báo trước ít nhất 30 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 đến 36 tháng.
  • Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng.

Hình thức thông báo: Ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.

Bước 2: Ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động khi đến thời hạn và tiến hành thanh lý hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp có trách nhiệm trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, tiền phép năm mà người lao động chưa nghỉ hết và các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chốt thời gian đóng bảo hiểm và trả lại sổ BHXH cho người lao động.

2. Trường hợp do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ, gặp lý do kinh tế; bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản

Bước 1: Xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động:

Căn cứ khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019, phương án sử dụng lao động phải bao gồm những nội dung sau:

  • Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
  • Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
  • Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Trong quá trình xây dựng phương án sử dụng lao động, doanh nghiệp phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên (nếu có).

Bước 2: Nếu doanh nghiệp không giải quyết được việc làm cho người lao động mà phải cho nghỉ việc thì phải gửi thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động trong vòng 30 ngày trước khi tiến hành thôi việc.

Nội dung thông báo bao gồm:

  • Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động.
  • Tổng số lao động; số lao động cho thôi việc.
  • Lý do cho người lao động thôi việc.
  • Thời điểm người lao động thôi việc.
  • Kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp mất việc làm.

Bước 3: Thanh lý hợp đồng lao động đối với người lao động thuộc diện cắt giảm nhân sự. Người lao động được trả lương, trợ cấp mất việc, tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết cùng các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Mẫu thông báo cắt giảm nhân sự đúng chuẩn

cắt giảm nhân sự
Đâu là mẫu thông báo cắt giảm nhân sự đúng chuẩn?

Mẫu 1: Thông báo cắt giảm nhân sự đối với một cá nhân cụ thể

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

…, ngày…tháng… năm

THÔNG BÁO

(V/v cắt giảm nhân sự)

Kính gửi: Ông/Bà………………………………………………………………..……

Căn cứ vào văn bản Bộ Luật Lao động 2019, sau quá trình xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, công ty…………….. đã đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự do tình hình kinh doanh khó khăn, công ty không còn đủ nguồn kinh phí để chi trả lương cho nhân viên. 

Ông/Bà ………………. là một trong những nhân viên sẽ phải rời khỏi vị trí làm việc sau quá trình đánh giá dựa trên nhiều điều kiện và tiêu chí khác nhau.

Căn cứ vào Hợp đồng Lao động số… ký kết giữa Công ty … và Ông/Bà …, chúng tôi xin thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với Ông/Bà với các nội dung sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng với Ông/Bà: ……………………………………………… 

Đang làm việc tại Vị trí/chức vụ:…………………………………………………………..…

2. Thời gian chấm dứt hợp đồng: Kể từ ngày …/…/…

3. Lý do về việc chấm dứt hợp đồng: ………………………………………………………

4. Trước khi chấm dứt hợp đồng, Ông/Bà………… có trách nhiệm bàn giao lại toàn bộ tài sản, hồ sơ và các tài liệu có liên quan đến công việc tại công ty.

5. Trong thời hạn ….… ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty cam kết sẽ thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của Ông/Bà………… mà công ty chưa thanh toán trước khi thực hiện quyết định cắt giảm nhân sự này. 

Bên cạnh đó, công ty sẽ tiến hành xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trả lại sổ bảo hiểm xã hội và các loại giấy tờ khác đã giữ của Ông/Bà.

Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi phải chấm dứt hợp đồng lao động với Ông/Bà……………… Đề nghị Ông/Bà hỗ trợ thực hiện đầy đủ các thủ tục và yêu cầu của Công ty trong thời gian chuyển tiếp.

Trân trọng thông báo!

(Các bên ký, ghi rõ họ tên và xác nhận, đóng dấu theo đúng thủ tục cần thiết)

Mẫu 2: Thông báo cắt giảm nhân sự đối với toàn bộ nhân viên

Lý do cắt giảm nhân sự: Do khó khăn tài chính

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

…, ngày…tháng… năm

THÔNG BÁO

(V/v cắt giảm nhân sự)

Kính gửi quý toàn thể nhân viên và cán bộ,

Nhằm giảm thiểu tối đa chi phí và đảm bảo sự tồn tại của công ty trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, chúng tôi xin trân trọng thông báo quyết định cắt giảm nhân sự tại công ty. 

Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự đối với các bộ phận không thực sự cần thiết hoặc có thể được hợp nhất. Quyết định này được đưa ra dựa trên năng lực và hiệu suất làm việc của toàn bộ nhân viên. 

Chúng tôi hiểu rằng quyết định này sẽ gây khó khăn cho một số nhân viên, tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đây là bước cần thiết để đảm bảo sự tồn tại cũng như phát triển bền vững của công ty trong tương lai.

Chúng tôi xin thông báo danh sách các nhân viên bị ảnh hưởng bởi quyết định cắt giảm nhân sự này và sẽ tiến hành liên hệ với từng nhân viên để thực hiện đúng quy trình. 

Một lần nữa, chúng tôi rất tiếc phải đưa ra quyết định này. 

Xin chân thành cảm ơn sự đóng góp của toàn thể quý nhân viên đối với công ty trong suốt thời gian vừa qua.

Trân trọng,

Ban Giám đốc

Kết luận

Trong bối cảnh kinh doanh thay đổi liên tục và đòi hỏi sự linh hoạt, quyết định cắt giảm nhân sự có thể khó khăn nhưng cần thiết để doanh nghiệp có cơ hội xem xét và cải thiện quy trình làm việc. Tuy nhiên, để cắt giảm nhân sự được diễn ra đúng luật, doanh nghiệp cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật dựa theo những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ qua bài viết trên.

Xem thêm: Cứu nguy ví tiền với nguyên tắc 5 NÊN 5 KHÔNG khi cho đồng nghiệp mượn tiền

Bài viết liên quan

Cùng chuyên mục