Sự kiện thiên nga đen: Cơn ác mộng của nền kinh tế

Vào thế kỷ 17, ở Anh người ta tin rằng thực tế tất cả thiên nga đều có màu trắng, thiên nga đen hoàn toàn không có thật. Tuy nhiên, nhà thám hiểm người Hà Lan – Willem de Vlamingh đã nhìn thấy thiên nga đen ở Tây Úc vào năm 1697. Đây là một điều bất ngờ và có tác động to lớn đến ngành động vật học vì cho đến thời điểm đó, người châu Âu vẫn cho rằng thiên nga đen không hề tồn tại vì chưa ai từng nhìn thấy. Từ đó, sự việc này đã được ứng dụng vào ngành kinh tế với thuật ngữ “sự kiện thiên nga đen” hay “Black Swan Event”. Vậy sự kiện thiên nga đen là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này ở bài viết dưới đây.

Sự kiện thiên nga đen là gì?

Thuật ngữ “sự kiện thiên nga đen” mô tả các sự kiện có kết quả nặng nề đối với nền kinh tế như sự sụp đổ của tiền tệ hoặc cổ phiếu lao dốc trầm trọng. Đây là những sự kiện toàn cầu hiếm đến mức các mô hình kinh tế thông thường không thể dự đoán được và có tác động rất lớn. 

Nhà triết học người Scotland David Hume đã đưa ra tóm tắt về sự kiện thiên nga đen đó là “Dù có bao nhiêu lần nhìn thấy thiên nga trắng cũng không thể suy luận rằng tất cả các con thiên nga đều có màu trắng, nhưng việc nhìn thấy một con thiên nga đen duy nhất cũng đủ để bác bỏ kết luận đó.”

sự kiện thiên nga đen
Thiên nga đen là một sự kiện cực kỳ hiếm gặp và để lại hậu quả nặng nề.

Lý thuyết thiên nga đen chia tất cả các lĩnh vực nghiên cứu thành hai loại là lĩnh vực tuyến tính (linear domains) và lĩnh vực phức tạp (complex domains). Trong các lĩnh vực tuyến tính như toán học, vật lý, các yếu tố tương tác có thể dự đoán được và các mô hình cũng có thể dự báo kết quả chính xác. 

Đối với lĩnh vực phức tạp như kinh tế, chính trị, kết quả phụ thuộc vào hành vi và tính hợp lý của con người. Do đó, các mô hình thường kém chính xác hơn. Sự kiện thiên nga đen là những sự kiện trong các lĩnh vực không thể đoán trước, phức tạp đến mức các mô hình hoàn toàn không tính đến sự tồn tại của chúng cho đến khi xảy ra.

Tại sao lý thuyết thiên nga đen phát triển?

Lý thuyết thiên nga đen được nhà kinh tế học Nassim Nicholas Taleb phát triển vào năm 2007 để mô tả tác động của tính ngẫu nhiên đối với cuộc sống hàng ngày và các ngành học như kinh tế học. Tìm hiểu về những sự kiện này có thể giúp người đọc hiểu lý do tại sao những sự kiện này tái diễn, phạm vi tác động và các cách khả thi để ngăn chặn hoặc phục hồi sau sự kiện. Trong cuốn sách The Black Swan, Taleb đã nêu ra ba tiêu chí của sự kiện thiên nga đen đó là:

– Hiếm đến mức không có bất kỳ điều gì ở quá khứ cho thấy một sự kiện như vậy có thể xảy ra.

– Có tác động cực kỳ lớn.

– Con người đưa ra những lời giải thích lý do tại sao sự kiện này có thể dự đoán được khi nhìn nhận lại vấn đề.

Một số nhà kinh tế cho rằng việc đa dạng hóa các khoản đầu tư có thể giúp bảo vệ nhà đầu tư khỏi sự kiện thiên nga đen vì một số khoản có khả năng phục hồi hoặc ít lỗ hơn những khoản khác. Số khác lại cho rằng việc để những hậu quả của các sự kiện thiên nga đen tác động tự do đến nền kinh tế có thể tăng cường khả năng phục hồi, ngăn chặn được các sự kiện tương tự trong tương lai.

Xem thêm: 5 cách giúp bạn vượt qua khủng hoảng nghề nghiệp nhanh chóng

sự kiện thiên nga đen
Nhà kinh tế học Nassim Nicholas Taleb đã đưa thuật ngữ sự kiện thiên nga đen trở nên phổ biến hơn.

Sự kiện thiên nga đen chứng khoán là gì?

Sự kiện thiên nga đen trên thị trường chứng khoán được hiểu là sự sụp đổ của thị trường vượt quá sáu độ lệch chuẩn (standard deviations) khiến sự kiện này trở nên cực kỳ hiếm, xét theo quan điểm xác suất. 

Làm thế nào để nhận biết sự kiện thiên nga đen?

Bạn có thể xác định Black Swan Event bằng cách kiểm tra xem sự kiện kinh tế có đáp ứng 3 tiêu chí của sự kiện thiên nga đen hay không bằng phương pháp sau:

1. Phân tích tác động

Tiêu chí đầu tiên là tác động to lớn của sự kiện vượt xa những hậu quả kinh tế thông thường. Nếu một sự kiện kinh tế có tác động tương đối nhỏ như sự biến động tạm thời của giá trị chứng khoán hoặc lạm phát tiền tệ thì đây có thể không phải là Black Swan Event. Ngược lại khi các nhà kinh tế ước tính tổn thất giá trị hàng nghìn tỷ đô la thì rất có thể đó là sự kiện thiên nga đen.

2. Phân tích các phương pháp dự đoán thông thường có được sử dụng để dự báo hay không

Đặc điểm thứ hai của sự kiện thiên nga đen là ngay cả việc sử dụng các công cụ dự báo như mô hình hóa cũng không thể lường trước được. Các nhà kinh tế không thể tính toán xác suất xảy ra vì chúng quá hiếm nên không có đủ dữ liệu. Sau đó, những mô hình mới sẽ được xây dựng để dự đoán Black Swan Events. Tuy nhiên, do có quá ít dữ liệu nên các mô hình dự đoán dựa trên xác suất thống kê thay vì thông tin thực tế.

Vì vậy, nếu các mô hình dự báo dựa trên các mối quan hệ mà sự kiện này gây ra sự kiện khác thì đây không phải là Black Swan Event. Trong trường hợp khác, mô hình dựa trên khả năng thống kê của một sự kiện nhất định thì có thể là Black Swan Event.

3. Phân tích phản ứng của công chúng

Đặc điểm cuối cùng đó là phản ứng của các nhà sử học và kinh tế học sau đó nhằm hợp lý hóa sự kiện như thể họ có thể được dự đoán trước. Hiện tượng này được gọi là “thiên lệch nhận thức muộn” (hindsight bias). Một cách để hiểu liệu thiên lệch nhận thức muộn có ảnh hưởng đến phản ứng của công chúng hay không là xem xét thời điểm các mô hình dự đoán cho sự kiện đó được tạo ra. Nếu các mô hình dự đoán được tạo ra trước sự kiện thì đó không phải là Black Swan Event. Và ngược lại, mô hình dự đoán chỉ xuất hiện sau sự kiện thì đây có thể là Black Swan Event.

sự kiện thiên nga đen
Black Swan Event có thể làm các nhà đầu tư điêu đứng vì tác động đối với nền kinh tế và tài chính.

Ví dụ về các sự kiện thiên nga đen

Việc đánh giá một sự kiện có phải là Black Swan Event hay không đa phần vẫn mang tính chất chủ quan vì không có số tiền đại diện hay mức đánh giá chung đối với tổn thất được gây ra. Dưới đây là một số sự kiện được nhiều nhà kinh tế cho là Black Swan Event:

1. Khủng hoảng tài chính ở các nước châu Á vào năm 1997

Năm 1997, một số quốc gia châu Á bao gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia đã có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đầu tư nước ngoài ồ ạt và thị trường bất động sản nóng lên đáng kể. Điều này đã dẫn đến tình trạng nợ công. Và khi các tổ chức không thể trả nợ được đã gây ra những tổn thất như mất giá tiền tệ lên đến 38% và giá trị của một số cổ phiếu giảm 60%.

Xem thêm: Làm gì khi suy thoái kinh tế? 8 ngành giúp bạn ổn định trong thời kỳ khó khăn

2. Bong bóng dot-com năm 2000

Năm 2000, giá trị của các công ty công nghệ giảm khi nhà đầu tư nhận ra rằng không phải tất cả doanh nghiệp đều thành công. Sự kiện được gọi là bong bóng dot-com đã xóa sổ gần một nghìn tỷ đô la cổ phiếu, khiến thị trường chứng khoán NASDAQ mất 78% giá trị.

3. Siêu lạm phát ở Zimbabwe vào năm 2008

Sau nhiều năm Zimbabwe rơi vào xung đột chính trị và lạm phát thì tình trạng này đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2008. Khi đó, đồng đô la Zimbabwe trải qua thời kỳ siêu lạm phát lên tới 79,6 tỷ %. Năm 2009 đồng tiền này đã bị loại bỏ, không còn là tiền tệ chính thức.

sự kiện thiên nga đen
Siêu lạm phát ở Zimbabwe 2008 là một ví dụ điển hình của sự kiện thiên nga đen khi đã khiến đồng đô la Zimbabwe biến mất khỏi thị trường tiền tệ.

4. Khủng hoảng nợ công châu Âu 

Năm 2009, hệ thống ngân hàng ở một số nước châu Âu bao gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp sụp đổ. Các ngân hàng không thể trả hết nợ công và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã phải bảo lãnh cho từng ngân hàng ít nhất một lần.

5. Khủng hoảng dầu thô

Năm 2014, sự bùng nổ hàng hóa đã khiến Mỹ và Canada bắt đầu sản xuất thêm dầu thô và nguồn cung dầu của Libya bị các cường quốc phương Tây kiểm soát. Điều này làm tăng lượng dầu thô trên thị trường và khiến giá mỗi thùng giảm hơn 50%.

6. Đại dịch Covid-19

Một ví dụ gần đây hơn có thể là sự xuất hiện của virus Covid-19 đã gây ra đại dịch toàn cầu bắt đầu vào năm 2020 và làm gián đoạn thị trường cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Có thể thấy, sự kiện thiên nga đen thường mang hàm ý tiêu cực nhưng lại có một số sự kiện lại có ý nghĩa tích cực. Chẳng hạn như sự trỗi dậy của Internet là một ví dụ đã kết nối thế giới đến gần với nhau hơn.

Tóm lại Black Swan Event là những sự kiện không thể biết trước để chuẩn bị, nằm ngoài phạm vi dự đoán của chúng ta. Vì vậy cần học cách nhạy bén và tỉnh táo trước những lời mời đầu tư để tránh trường hợp không kịp trở tay khi sự kiện thiên nga đen xảy ra. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về đề tài này. Để tìm việc tài chính lương cao, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!

Xem thêm: Chi phí ẩn: Gánh nặng vô hình khiến bạn kinh doanh thất bại 

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục