Vì sao bạn mãi kìm hãm bản thân trong những niềm tin giới hạn?

Trên hành trình phát triển bản thân, chúng ta thường tự trói buộc khả năng bởi những niềm tin mà bản thân đặt ra. Những niềm tin này có thể khiến chúng ta không tin vào khả năng của mình, không dám đương đầu trước những thử thách và từ chối những cơ hội quan trọng trong cuộc sống. Nhưng bạn không cô đơn trong hành trình này, chúng ta đều có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày. Để thay đổi và bứt phá, chúng ta cần hiểu rõ niềm tin giới hạn là gì, vì sao chúng xuất hiện và có bao nhiêu bước xóa bỏ niềm tin giới hạn? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Niềm tin giới hạn là gì? 

niềm tin giới hạn
Có phải bạn đang giam cầm lòng can đảm của bản thân trước những niềm tin giới hạn

Niềm tin giới hạn là những suy nghĩ sai lệch và tiêu cực mà chúng ta tự áp đặt, khiến chúng ta nghĩ rằng mình không đủ khả năng, không xứng đáng hoặc không thể đạt được những điều thực sự mong muốn. 

Niềm tin giới hạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ công việc đến các mối quan hệ, tài chính, sức khoẻ và sự phát triển cá nhân. Chúng khiến tầm nhìn và quan điểm về bản thân cũng như thế giới xung quanh bị che phủ bởi những dải ruy băng tăm tối. Thay vì mạnh dạn khám phá, bạn nghĩ rằng mình nên hài lòng trong vùng an toàn.

Điểm chung của những suy nghĩ giới hạn bản thân thường thấy là “Tôi không đủ… để…,” “Tôi quá… để…,” “Tôi không thể….”, chẳng hạn như “Tôi không đủ giỏi để thăng chức.”, “Tôi quá lớn tuổi để có thể đăng ký học đại học.” hay “Tôi không thể đi du lịch một mình được.” Chính những suy nghĩ này khiến bạn tự giới hạn lựa chọn, từ chối thử sức mình trước những cơ hội mới  và không thể tận hưởng cuộc sống muôn màu.

Xem thêm: Sống là chính mình để bảo vệ bản thân khỏi năng lượng tiêu cực ở nơi làm việc

Vì sao chúng ta luôn giới hạn bản thân?

niềm tin giới hạn
Những nguyên nhân khiến bạn vô tình giới hạn bản thân

1. Những tác động đến từ môi trường xung quanh

Gia đình là môi trường xây dựng niềm tin đầu tiên của mỗi người. Khi nhận được sự tin tưởng, khích lệ, ủng hộ và đồng hành của cha mẹ, chúng ta có xu hướng hình thành niềm tin tích cực vào khả năng của bản thân. Nếu lớn lên trong một gia đình luôn phê phán, chỉ trích, chúng ta dễ tổn thương, sợ hãi thất bại và cảm giác bản thân mình chẳng có gì đáng giá. Đồng thời, cách mà gia đình đặt ra những kỳ vọng không thực tế hay những tiêu chuẩn quá khắt khe cũng khiến chúng ta cảm thấy áp lực và không đủ tự tin. 

Ngoài ra, những áp lực đến từ môi trường làm việc, trường học và xã hội cũng tác động đáng kể đến niềm tin của mỗi người. Các quan điểm, giá trị và tiêu chuẩn xã hội có thể tạo ra những áp lực ảnh hưởng đến niềm tin của chúng ta. Những điều này khiến bạn vật lộn, mắc kẹt trong những nỗi sợ hãi do bản thân tưởng tượng ra, để rồi giới hạn bản thân trong những ràng buộc.

Xem thêm: Khám phá sức khoẻ tâm lý bản thân qua các bài test rối loạn lo âu

2. Những trải nghiệm thất bại trong quá khứ

Trải qua những sự kiện ghi dấu ấn trong cuộc đời có thể ảnh hưởng đến niềm tin của bạn. Những thất bại trong quá khứ khiến bạn dần không còn tin tưởng vào khả năng của mình, thiếu tự tin khi đưa ra quyết định và can đảm hành động. Điều này khiến bạn tự giới hạn mục tiêu của mình, không tin rằng bản thân có thể đạt được những điều tốt đẹp. Chẳng hạn như nhiều sinh viên trở nên nản lòng và nghĩ bản thân kém cỏi khi nỗ lực tìm kiếm công việc đầu tiên sau khi ra trường nhưng liên tục thất bại. 

3. Những lo lắng, sợ hãi về tương lai

Bạn có thường hay giới hạn bản thân bởi những lo lắng, sợ hãi trước những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai hay không? ĐIều này không chỉ ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của bạn, mà còn có thể gây rối và ngăn chúng ta đạt được thành công. Thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt hiện nay khiến nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp lo lắng không thể tìm được việc làm. Chính tâm lý này khiến các bạn mất niềm tin vào khả năng của bản thân và không dám ứng tuyển các vị trí hằng mơ ước. 

4. Kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế

Kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống là một phần quan trọng để bạn có đủ nền tảng để hiểu và đối phó với thế giới xung quanh. Những gì bạn được học tại trường chỉ là một phạm vi rất nhỏ, nếu bạn không tiếp tục nâng cao và cập nhật kiến thức của mình, tư duy hạn chế khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng kiến thức lỗi thời, lạc hậu đó vào thực tế. 

Nếu cứ mãi giới hạn bản thân, bạn sẽ mất gì?

niềm tin giới hạn
Bạn sẽ mất gì nếu cứ mãi giới hạn bản thân?

Giới hạn tiềm năng phát triển bản thân

Khi không tin tưởng vào khả năng của mình, bạn sẽ mãi mắc kẹt trong những nỗi sợ tưởng tượng và chùn bước trước những thử thách. Điều này khiến bạn mãi đứng ở vạch xuất phát, vụt mất những cơ hội phát triển cá nhân và tỏa sáng.

Tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe bản thân

Niềm tin giới hạn còn gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của mỗi người. Khi mong muốn đạt được điều gì đó, nhưng bạn lại giới hạn bản thân trước hàng ngàn lý do, chắc chắn bạn không thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn được. Những khi tâm trí bị bao phủ bởi những căng thẳng, mệt mỏi không cần thiết, bạn không thể nào tìm thấy được ánh sáng của hy vọng và niềm tin. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, thậm chí là gây nên trầm cảm kéo dài. 

Ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, công việc

Các mối quan hệ mới hay các hoạt động xã hội tích cực có thể mang lại những kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội hợp tác tốt đẹp. Niềm tin giới hạn khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội gặp gỡ, kết nối và tương tác với những người mới. Nếu mãi chùn chân nản chí, bạn sẽ dần quen với sự cô đơn và tách biệt mình khỏi mọi người. 

Để đạt được thành công, chúng ta phải sẵn lòng đối mặt với những rủi ro và học hỏi từ những sai lầm. Nếu không dám đối diện với thất bại, bạn sẽ bị mắc kẹt trong vòng lặp không tiến bộ, bỏ lỡ cơ hội để phát triển kỹ năng và không thể vươn lên đạt được thành công.

Niềm tin giới hạn có hoàn toàn xấu? 

niềm tin giới hạn
Niềm tin giới hạn cũng mang những ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển bản thân

Khi nhận ra giới hạn bản thân, chúng ta có thể sử dụng nó như một động lực để phát triển và cải thiện. Thay vì coi giới hạn là một điểm dừng và từ bỏ, chúng ta có thể nhìn nhận nó như một thách thức để có cơ hội tự khám phá, can đảm vượt qua và trở nên tự tin hơn. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa ra mục tiêu cụ thể và tập trung trau dồi những mặt hạn chế để cải thiện bản thân. 

Mỗi người đều có những hạn chế riêng, không ai hoàn hảo cả, niềm tin giới hạn có thể trở nên hợp lý khi giới hạn bản thân trong một số trường hợp. Việc nhận ra và công nhận giới hạn của bản thân là điều cần thiết để cân nhắc kỹ lưỡng trước những hành động quá táo bạo hoặc những biến số không lường trước. Bên cạnh đó, thay vì cứ mãi bó buộc bản thân vào những gì không thể làm được, niềm tin giới hạn giúp bạn tập trung khai thác và tận dụng tối đa điểm mạnh để đạt được thành công. 

Tuy niềm tin giới hạn không hoàn toàn xấu, nhưng nếu chúng ta để nó chiếm quyền kiểm soát quá nhiều, nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến những trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc sống. Do đó, quan trọng là cách mà bạn nhận ra giới hạn bản thân và không để nó trở thành rào cản trong quá trình phát triển. 

Xem thêm: 3 yếu tố hình thành tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn

Có bao nhiêu bước xóa bỏ niềm tin giới hạn? Thử vượt qua giới hạn bản thân ngay bây giờ

niềm tin giới hạn
Có bao nhiêu bước xóa bỏ niềm tin giới hạn?

Bước 1: Xác định niềm tin giới hạn

Hãy quan sát sâu bên trong bạn và xác định 1 niềm tin giới hạn cụ thể mà bạn nhận thấy đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của mình. Điều này giúp bạn nhìn thẳng vào những giới hạn bản thân mà bạn tự đặt ra cho chính mình.

Bạn có thể sử dụng các câu hỏi sau để giúp bạn nhận diện nguồn gốc niềm tin giới hạn đang tồn tại: 

  • Bạn đang mệt mỏi nhất về điều gì?
  • Điều gì khiến bạn thấy khó chịu nhất nhưng bạn lại không thay đổi?
  • Nếu tiếp tục như vậy, bạn có nghĩ mình sẽ sống hạnh phúc trong tương lai?
  • Nếu bỏ qua tất cả mọi lo ngại, bạn sẽ làm gì để thay đổi? 

Bước 2: Xác định cái giá bạn phải trả nếu giữ mãi niềm tin này

Dưới đây là những câu hỏi giúp bạn xác định rõ hơn các khía cạnh trong cuộc sống mà niềm tin này có thể gây tổn hại:

  • Cái giá bạn phải trả khi níu giữ niềm tin này trong quá khứ, hiện tại và tương lai?
  • Nếu không từ bỏ, niềm tin này sẽ gây tổn hại đến CẢM XÚC của bạn ra sao?
  • Nếu không từ bỏ, niềm tin này sẽ gây tổn hại đến các MỐI QUAN HỆ của bạn ra sao?
  • Nếu không từ bỏ, niềm tin này sẽ gây tổn hại đến SỨC KHỎE của bạn ra sao?
  • Nếu không từ bỏ, niềm tin này sẽ gây tổn hại đến TÀI CHÍNH của bạn ra sao?
  • Nếu không từ bỏ, niềm tin này sẽ gây tổn hại đến GIA ĐÌNH và NHỮNG NGƯỜI MÀ BẠN QUÝ MẾN ra sao?

Xem thêm: Hiểu về lý thuyết 4 lò lửa để bật tắt đúng lúc mang đến hạnh phúc

Bước 3: Tìm bằng chứng phá vỡ niềm tin giới hạn

Dành thời gian tạo ra các trải nghiệm và thử thách bản thân là một bước quan trọng để có những dẫn chứng thuyết phục phá vỡ niềm tin giới hạn. Bằng cách đặt ra những mục tiêu nhỏ và thực hiện trong 1 tuần, bạn có thể khám phá và chứng minh cho bản thân rằng niềm tin đó không hoàn toàn đúng. 

Điều này giúp chúng ta tạo ra những trải nghiệm tích cực và chứng minh cho bản thân thấy rằng niềm tin giới hạn không có thật. Chẳng hạn như bạn nghĩ mình không thể dậy sớm, hãy tập cho mình thói quen dậy sớm hàng ngày trong 1 tuần để đánh giá chính xác đó có phải là niềm tin giới hạn thực sự không. 

Xem thêm: Tại sao bạn mãi loanh quanh không dám bước ra vùng an toàn của bản thân?

Bước 4: Thay thế bằng niềm tin tích cực

Khi đã nắm bắt bản chất thật sự của niềm tin giới hạn không đúng như những gì bạn luôn lo sợ, hãy thay thế chúng bằng niềm tin tích cực. Việc sử dụng cách tự kỷ ám thị và viết ra những niềm tin mới hàng ngày là những phương pháp đơn giản nhưng tác động mạnh mẽ.

Bằng cách lặp đi lặp lại các câu khẳng định tích cực, như “Tôi có thể thành công”, “Tôi có thể đạt được mục tiêu của mình”, bạn đang thay thế những tư duy và niềm tin cũ bằng những niềm tin mới và tích cực hơn. Qua thời gian, những niềm tin mới này sẽ trở nên tự nhiên và ăn sâu vào tiềm thức của bạn. Điều này đồng thời cũng tạo ra một tư duy tích cực và đánh thức nguồn năng lượng bên trong bạn.

Bước 5: Tìm ra những niềm vui mới sẽ nhận được khi có niềm tin này

Khi đã niềm tin tích cực mới, hãy liệt kê những niềm vui, những tín hiệu tích cực bạn cảm nhận được khi có niềm tin này. Khi bạn tin rằng mình có thể đạt được những điều mà trước đây bạn cho là không thể, bạn cảm thấy mọi thứ trở nên sống động và đầy khí thế. Niềm tin này giúp bạn mở rộng tư duy, khơi dậy đam mê và lòng kiên nhẫn để theo đuổi những ước mơ. Chẳng hạn như “Tôi có thể dậy sớm, nhờ đó tôi có cơ hội được ngắm bình minh trọn vẹn, điều mà trước giờ tôi không tin mình sẽ làm được.”

Bước 6: Hành động củng cố niềm tin

Chỉ viết là không đủ, bạn cần tìm mọi cơ hội để thực hiện hành động này mỗi ngày. Vượt qua niềm tin giới hạn là quá trình tự thay đổi suy nghĩ, nhận thức và khám phá những khả năng tiềm ẩn. Đó là việc chúng ta phải tập trung vào những niềm tin tích cực, tin rằng chúng ta có khả năng phát triển và đạt được những mục tiêu mà chúng ta mong muốn. Chỉ qua hành động thực tế, bạn mới có thể xây dựng và củng cố niềm tin mới của mình.

Kết luận

Nhận ra và vượt qua giới hạn bản thân là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng, tuy nhiên, hãy tin rằng bạn có thể vượt qua mọi giới hạn, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và đạt được hạnh phúc trong cuộc sống. Chắc rằng sẽ có những giây phút yếu lòng, nhưng hãy nhớ rằng bạn bè, gia đình,… là nguồn động viên, khích lệ tuyệt vời giúp bạn đi xa hơn và đạt được những thành tựu mà trước đây bạn không tin tưởng bản thân mình có thể. Hy vọng những lời tâm tình mà VCI và Việc Làm 24h chia sẻ trên đã tiếp thêm động lực và cách vượt qua giới hạn bản thân hữu ích mà bạn có thể thực hiện ngay hôm nay! 

Series bài viết Mở khóa bản thân đánh dấu sự hợp tác giữa Việc Làm 24h và Vietnam Coaching Institute (VCI) nhằm cung cấp kiến thức về các kỹ năng mềm để người trẻ hiểu bản thân, tăng khả năng thấu cảm với những người xung quanh, tăng sức bật và sự linh hoạt trong thế giới đầy biến động. Vietnam Coaching Institute (VCI) là trường đào tạo Coach đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận của cả 2 tổ chức ICF (International Coach Federation) và CCA (Certified Coaches Alliance). VCI ra đời với mục tiêu khuyến khích, truyền cảm hứng và hỗ trợ cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp khai thác và phát triển tiềm năng để đạt được hạnh phúc và thành công toàn diện trong các lĩnh vực cuộc sống.

Xem thêm: Thiền Vipassana là gì? Hướng dẫn thiền tại nhà cho người mới bắt đầu

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục