Chứng chỉ PMP là gì? Tại sao nên thi chứng chỉ PMP và cách ôn luyện hiệu quả

Bạn đã từng nghe qua về chứng chỉ PMP – một trong những chứng chỉ quản lý dự án quốc tế được công nhận rộng rãi nhất trong ngành hiện nay? Sở hữu Chứng chỉ PMP không chỉ chứng minh năng lực mà còn mở ra con đường thăng tiến trong sự nghiệp. Theo nghiên cứu về lương bổng hàng năm từ PMI, những người có PMP thường có thu nhập trung bình cao hơn khoảng 25% so với những người không có chứng chỉ. Vậy cụ thể chứng chỉ quản lý dự án PMP là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu tất tần tật về chứng chỉ này ngay trong bài viết bên dưới nhé!

1. Chứng chỉ PMP là gì?

Chứng chỉ PMP (Project Management Professional) là một trong những chứng chỉ quản lý dự án phổ biến và được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Chứng chỉ quản lý dự án PMP do Viện Quản lý Dự án (Project Management Institute – PMI) của Hoa Kỳ cấp từ năm 1984. Chứng chỉ này xác nhận rằng người sở hữu có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để quản lý và điều hành các dự án hiệu quả.

chứng chỉ pmp
Chứng chỉ PMP là chứng chỉ dành các nhà quản lý dự án để chứng minh chuyên môn và năng lực của mình.

2. Lợi ích khi có chứng chỉ PMP

Vậy cụ thể chứng chỉ PMP để làm gì và mang lại những lợi ích như thế nào?

  • Công nhận toàn cầu: Chứng chỉ PMP được công nhận rộng rãi và có giá trị quốc tế, giúp bạn có cơ hội làm việc toàn cầu.
  • Nâng cao năng lực quản lý: Quá trình chuẩn bị và thi chứng chỉ PMP đòi hỏi bạn học hỏi nhiều kiến thức quản lý dự án quan trọng, từ lập kế hoạch đến quản lý rủi ro và kiểm soát dự án..
  • Tăng cơ hội nghề nghiệp: Chứng chỉ PMP là một sự thừa nhận chính thức về khả năng quản lý dự án của bạn. Từ đó có thể giúp bạn cạnh tranh tốt hơn trên thị trường lao động và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới.
  • Tăng thu nhập: Theo nghiên cứu của PMI, người có Chứng chỉ PMP thường có thu nhập cao hơn.
  • Xây dựng mạng lưới quan hệ: Việc tham gia vào cộng đồng PMP sẽ giúp bạn xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp với những người có cùng sở thích và sự nghiệp, từ đó tạo ra cơ hội hợp tác và học hỏi.
chứng chỉ pmp
Việc thi và tham gia vào các cộng đồng PMP giúp bạn mở rộng các mối quan hệ hơn.
  • Tạo niềm tin cho khách hàng và đối tác: Chứng chỉ PMP thể hiện sự cam kết của bạn đối với chất lượng và hiệu suất dự án, giúp xây dựng niềm tin từ phía khách hàng và đối tác.
  • Nắm vững quy trình quản lý dự án: Chứng chỉ PMP giúp bạn hiểu rõ các quy trình quản lý dự án theo chuẩn PMBOK (Project Management Body of Knowledge), từ đó tăng khả năng bạn có thể áp dụng chúng trong thực tế.

3. Đối tượng nên thi chứng chỉ PMP

Nếu bạn thuộc vào các nhóm đối tượng sau đây, việc thi Chứng chỉ quản lý dự án PMP trở nên cực kỳ cần thiết để thúc đẩy sự nghiệp của bạn.

Những người quản lý và phụ trách dự án

Nhóm đối tượng đầu tiên nên học chứng chỉ PMP là những người quản lý và phụ trách dự án. Đây là những chuyên gia chịu trách nhiệm quản lý và điều hành dự án, họ cần tích luỹ đủ giờ thực hiện dự án để đáp ứng yêu cầu thi.

Những người đang làm việc trong nhóm dự án

Nhóm thứ hai bao gồm những người đang tham gia vào dự án và tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Mặc dù không được tính vào số giờ làm việc thực hiện dự án theo yêu cầu của PMI, nhưng việc tích luỹ kinh nghiệm trong công việc sẽ giúp bạn phát triển sự nghiệp.

Những người muốn nắm vị trí quản lý hoặc giám đốc

Nếu bạn có mục tiêu trở thành một giám đốc hoặc quản lý cấp cao trong một doanh nghiệp, việc đạt chứng chỉ PMP và nắm vững kiến thức trong khóa học này sẽ mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời cho bạn. 

chứng chỉ pmp
Những ai đang có mong muốn được thăng tiến cao hơn trong sự nghiệp quản lý thì chứng chỉ PMP rất cần thiết.

4. Điều kiện thi chứng chỉ PMP là gì?

Để thi chứng chỉ PMP, bạn cần đáp ứng một số điều kiện cơ bản do PMI đặt ra. 

  • Học vấn: Bạn phải có ít nhất bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng hoặc bằng cử nhân từ một trường đại học đã được công nhận. 
  • Kinh nghiệm quản lý dự án: Bạn cần có ít nhất 3 năm hoặc 4.500 giờ kinh nghiệm quản lý dự án trong trường hợp bạn có bằng cử nhân. Nếu bạn chỉ có bằng tốt nghiệp trung học hoặc cao đẳng, kinh nghiệm làm việc quản lý dự án tối thiểu 5 năm – tương đương với 7.500 giờ làm dự án. Còn nếu bạn có bằng tiến sĩ hoặc cao hơn, yêu cầu này sẽ giảm xuống còn 2 năm hoặc 3.500 giờ kinh nghiệm.
  • Giờ học về quản lý dự án: Bạn cần hoàn thành ít nhất 35 giờ học về quản lý dự án tại một trung tâm đào tạo được công nhận.
  • Khóa học về quản lý dự án: Bạn cần hoàn thành khóa học về quản lý dự án tại một trung tâm đào tạo đã được PMI công nhận. Khóa học này phải có ít nhất 35 giờ học.
  • Thời gian đăng ký: Bạn phải hoàn thành tất cả các yêu cầu trên trong vòng 8 năm trước khi đăng ký thi.

Lưu ý rằng PMI có thể thay đổi các yêu cầu này theo thời gian. Do đó, trước khi đăng ký thi, hãy kiểm tra các yêu cầu mới nhất trên trang web chính thức của PMI để đảm bảo bạn đáp ứng tất cả các điều kiện thi PMP hiện hành.

chứng chỉ pmp
Bạn phải đủ yêu cầu về thời gian đã tham gia quản lý dự án mới có thể đăng ký dự thi chứng chỉ PMP.

5. Tổng quan về kỳ thi chứng chỉ PMP

Hồ sơ dự thi

Hồ sơ dự thi của bạn sẽ bao gồm:

  • Bằng cử nhân Đại học, bằng Cao đẳng hoặc bằng THPT: Bạn chỉ cần nộp bằng cấp này nếu hồ sơ của bạn được chọn để kiểm tra (audit).
  • Hồ sơ mô tả kinh nghiệm: Đối với nhóm cử nhân Đại Học, bạn cần mô tả 36 tháng kinh nghiệm làm quản lý dự án. Đối với nhóm Cao Đẳng/THPT, yêu cầu là 60 tháng kinh nghiệm. Hồ sơ này cung cấp chứng minh về kinh nghiệm thực tế của bạn trong việc quản lý dự án.
  • Chứng nhận đã có 35 giờ học về quản lý dự án: Điều này bao gồm việc hoàn thành một khóa học về quản lý dự án tại một trung tâm đào tạo được PMI công nhận. Các giờ học này cần được chứng minh để đảm bảo bạn đã tích lũy đủ kiến thức cơ bản về quản lý dự án.

Đăng ký thi PMI

Tạo tài khoản PMI: Đầu tiên, bạn cần đăng ký tài khoản trên trang web của PMI.

Đăng ký dự thi: Sau khi có tài khoản, bạn sẽ đăng nhập vào trang web PMI và truy cập vào phần đăng ký dự thi. Trong quá trình đăng ký, bạn cần cung cấp các thông tin sau đây:

  • Địa chỉ liên hệ của bạn tại nhà, cơ quan hoặc công ty.
  • Thông tin liên hệ như số điện thoại và địa chỉ email.
  • Trình độ học vấn, bao gồm tên trường đại học hoặc cao đẳng, địa chỉ của trường, năm tốt nghiệp, và chuyên ngành.

Yêu cầu về kinh nghiệm: Bạn cần cung cấp thông tin chi tiết về kinh nghiệm quản lý dự án của bạn, bao gồm:

  • Danh sách các dự án mà bạn đã tham gia, với thông tin về thời gian thực hiện, tên dự án, mô tả dự án, và vai trò của bạn trong từng dự án.
  • Tham gia các khóa học về quản lý dự án, bao gồm thông tin về khóa học, trung tâm đào tạo, số giờ học, và ngày hoàn thành.

Bạn có thể đăng ký dự thi và tìm kiếm các thông tin khác ngay tại trang web của PMP.

Lưu ý: Sau khi đăng ký, PMI có thể kiểm tra ngẫu nhiên để xác nhận thông tin của bạn (audit). Trong trường hợp này, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp thêm các thông tin, bằng chứng, người liên quan để đối chiếu và xác thực những gì đã cung cấp.

Lệ phí thi chứng chỉ PMP

Thành viên PMI: Phí thi chính thức là 284 USD. Phí thi lại là 193 USD. Phí duy trì chứng chỉ là 42 USD.

Chưa đăng ký thành viên PMI: Phí thi chính thức là 389 USD. Phí thi lại là 250 USD. Phí duy trì chứng chỉ là 105 USD.

Một số tips quan trọng khi bạn chuẩn bị thi PMP:

Đăng ký làm thành viên PMI để tiết kiệm phí renew và tích luỹ PDUs miễn phí. Cụ thể:

  • Nếu bạn là thành viên PMI (Member): Phí thi là 284 USD, và bạn cần đóng phí thành viên là 99 USD cùng với phí admin là 10 USD, tổng cộng là 393 USD. Nhưng điều quan trọng là bạn có thể tích lũy PDUs miễn phí trong một năm khi truy cập trang web Projectmanagement.com. Điều này đồng nghĩa với việc bạn tiết kiệm chi phí duy trì chứng chỉ và có cơ hội nâng cao kiến thức của mình.
  • Lưu ý quan trọng: Để hưởng ưu đãi về phí thi, bạn cần đăng ký thành viên PMI trước khi đăng ký nộp phí thi PMP.
chứng chỉ pmp
Trở thành hội viên của PMI sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bạn khi đăng ký dự thi chứng chỉ PMP.

Cấu trúc đề thi chứng chỉ PMP

Thời gian thi: Bài thi diễn ra trong khoảng thời gian 230 phút.

Số câu hỏi và định dạng: Bài thi bao gồm tổng cộng 180 câu hỏi. Các câu hỏi có định dạng đa dạng, bao gồm lựa chọn nhiều đáp án, nhiều câu trả lời, so sánh, lựa chọn và điền vào chỗ trống.

Câu hỏi tính điểm: Trong số 180 câu hỏi, có 175 câu hỏi được tính điểm. Mục đích của 5 câu hỏi còn lại là thống kê và không tính điểm. Khi làm bài, thí sinh không biết được câu nào là câu thử nghiệm và câu nào được tính điểm.

Nghỉ giải lao: Thí sinh được phép nghỉ giải lao hai lần trong quá trình làm bài. Mỗi lần nghỉ giải lao tối đa 10 phút và thời gian này không tính vào thời gian làm bài 230 phút. Nghỉ giải lao được đặt sau câu thứ 60 và câu thứ 120. Sau khi nghỉ giải lao, thí sinh không được phép xem lại phần câu hỏi đã làm trước đó.

Hỗ trợ ngôn ngữ

Ngoài tiếng Anh, PMI hỗ trợ các ngôn ngữ khác cho thí sinh dự thi. Danh sách các ngôn ngữ được hỗ trợ bao gồm Arabic, Bahasa Indonesian, Turkish, Polish, Hebrew, Brazilian Portuguese, Italian, Japanese, Chinese (Simplified), Chinese (Traditional), Korean, French, Russian, German, và Spanish. Đáng tiếc thay, tiếng Việt không nằm trong danh sách các ngôn ngữ được hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo các trải nghiệm chia sẻ từ những người đã thi PMP, rào cản ngôn ngữ không phải là vấn đề lớn đối với những người đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm vững kiến thức theo chuẩn của PMI. Điều khó khăn chính trong kỳ thi PMP là khả năng hiểu và áp dụng kiến thức theo khung chuẩn của PMI để chọn đúng câu trả lời.

Dời, huỷ lịch thi đã đăng ký

Dời lịch thi sớm hơn 30 ngày so với ngày thi ban đầu: Bạn có thể dời lịch thi mà không mất phí khi bạn thi sớm hơn 30 ngày so với ngày đăng ký.

Dời lịch thi trong vòng 30 ngày trước ngày thi: Trong khoảng thời gian này, bạn có thể dời lịch thi, nhưng bạn sẽ phải thanh toán một khoản phí là 70 USD.

Dời lịch trong vòng 48 giờ trước ngày thi: Trong trường hợp bạn muốn dời lịch thi trong 48 giờ trước ngày thi, bạn sẽ không được phép thực hiện việc này và bạn sẽ mất toàn bộ lệ phí thi đã đóng.

Ví dụ:

Ngày thi ban đầu: 5/5

Nếu bạn dời, huỷ lịch thi:

  • Trước ngày 4/4 hoặc trước đó: Không đóng thêm phí
  • Ngày 5/4 đến trước ngày 2/5: đóng thêm $70

Quy định 48 giờ:

Ngày thi – 8h00 ngày 5/5, nếu bạn dời hoặc huỷ lịch thi trước 8h00 ngày 3/5 thì sẽ đóng thêm $70 còn sau 8h00 ngày 3/5 sẽ không thể dời lịch hoặc huỷ lịch thi và sẽ mất toàn bộ lệ phí thi.

chứng chỉ pmp
Bạn nên chú ý vào các quy định dời và dời lịch thi để không bị tốn thêm chi phí.

Duy trì chứng chỉ PMP sau khi đậu 

Sau khi bạn đã thi và đạt được chứng chỉ PMP, bạn cần duy trì để đảm bảo chứng chỉ luôn có giá trị. Để duy trì chứng chỉ PMP, bạn cần thực hiện các bước sau:

Thời gian gia hạn: Chứng chỉ PMP có thời hạn 3 năm kể từ ngày bạn đạt được. Trong khoảng thời gian này, bạn cần duy trì bằng cách tích lũy PDU (Professional Development Units).

Tích lũy PDU: PMI yêu cầu bạn tích lũy ít nhất 60 PDU trong thời gian 3 năm. PDU có thể được tích lũy thông qua các hoạt động liên quan đến quản lý dự án như tham gia khóa học, học trực tuyến, tham gia cộng đồng chuyên nghiệp, viết bài viết về quản lý dự án, và nhiều hoạt động khác.

Báo cáo và theo dõi PDU: Bạn cần báo cáo việc tích lũy PDU cho PMI thông qua hệ thống PMI’s Continuing Certification Requirements (CCR) và duy trì hồ sơ của bạn. Đảm bảo rằng bạn giữ các tài liệu và chứng từ để xác minh việc tích lũy PDU.

Thanh toán phí gia hạn: Bạn cần thanh toán phí gia hạn để duy trì chứng chỉ PMP, bao gồm phí thành viên PMI nếu bạn muốn hưởng các ưu đãi của thành viên.

Tuân thủ các quy định và yêu cầu của PMI: Hãy đảm bảo bạn tuân thủ các quy định và yêu cầu duy trì chứng chỉ của PMI. Bạn có thể tham khảo trang web của PMI hoặc liên hệ với PMI Chapter hoặc PMI Authorized Training Partners để biết thêm thông tin và hỗ trợ.

chứng chỉ pmp
Việc duy trì chứng chỉ PMP sẽ giúp chứng chỉ của bạn luôn có giá trị sử dụng lâu dài.

6. Luyện thi chứng chỉ PMP như thế nào?

Hiểu rõ yêu cầu thi PMP: Đầu tiên, hãy đảm bảo bạn đã đọc kỹ Hướng dẫn dành cho thí sinh PMP (PMP Handbook) của PMI. Đây là nguồn thông tin chính thức về quá trình đăng ký, chương trình thi, và yêu cầu thi.

Học theo PMBOK: PMBOK (Project Management Body of Knowledge) là tài liệu chuẩn mực của PMI. Học PMBOK cẩn thận và đảm bảo bạn hiểu rõ các quy trình, quy tắc và khái niệm quản lý dự án.

Sử dụng sách giáo trình và tài liệu học tập khác: Ngoài PMBOK, có nhiều sách giáo trình và tài liệu ôn thi PMP khác có sẵn. Chọn một hoặc một số nguồn học tập phù hợp với cách học của bạn.

Tham gia khóa học ôn thi PMP: Khóa học ôn thi PMP được thiết kế để chuẩn bị cho kỳ thi. 

Làm bài thi mẫu (Practice Exams): Đây là một phần quan trọng trong quá trình luyện thi. Điều này giúp bạn làm quen với định dạng câu hỏi và cải thiện khả năng quản lý thời gian.

Tạo lịch học tập đều đặn: Lên kế hoạch học tập và ôn luyện thường xuyên. 

Tham gia cộng đồng PMP: Việc tham gia vào cộng đồng PMP, thảo luận với những người khác đang ôn thi hoặc đã đạt chứng chỉ PMP sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình ôn luyện. Họ có thể chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các gợi ý hữu ích cho bạn.

Có kế hoạch cụ thể: Lên kế hoạch đăng ký kỳ thi PMP theo thời gian bạn đã chuẩn bị. Đảm bảo bạn hiểu rõ quy trình đăng ký và thực hiện đúng hạn.

Duy trì tinh thần tích cực: Luyện thi PMP có thể là một quá trình khá căng thẳng. Duy trì tinh thần tích cực và tự tin trong quá trình ôn luyện.

Tổ chức thời gian làm bài tốt nhất: Trong kỳ thi, hãy quản lý thời gian một cách hiệu quả. Đọc kỹ câu hỏi, quản lý thời gian và trả lời mỗi câu hỏi một cách chắc chắn.

Tạm kết

Chứng chỉ PMP không chỉ là một tấm bằng khẳng định chuyên môn, kỹ năng mà còn mở ra nhiều cơ hội sự nghiệp. Chứng chỉ này đã giúp nhiều người thăng tiến, tạo ra sự khác biệt và xây dựng lòng tin trong việc quản lý dự án.

Hy vọng rằng với những chia sẻ về PMP trong bài viết trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng chỉ này. Dù bạn đã quyết định bước vào hành trình chinh phục chứng chỉ PMP hay đang xem xét khả năng đó, hãy nhớ rằng sự cống hiến và nỗ lực luôn được đền đáp đáng giá. Chúc bạn thành công và đạt được chứng chỉ PMP, mở ra những cánh cửa mới trong sự nghiệp quản lý dự án của mình! Đừng quên đón đọc các bài viết hữu ích khác tại Việc Làm 24h nhé!

Xem thêm: 4 loại chứng chỉ tiếng Nhật có giá trị nhất hiện nay bạn cần biết

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục